{{today.type}} {{today.low}}độ:-{{today.high}}độ: 1 Đồng Tiền Việt(VND) = {{exchange.vtc}}Nhân Dân Tệ(CNY)

Nội dung bài viết 文章内容

Khu thử nghiệm tài chính xanh Trung Quốc: Gợi mở quan trọng cho Việt Nam

Ngày đăng:2024-04-02 12:34:51   

Cách đây vài năm, khái niệm tài chính xanh còn khá mới mẻ với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, với bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu hiện nay, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề này.

Tài chính xanh có thể được hiểu là tăng cường mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận sang các ưu tiên phát triển bền vững. Nhìn chung, tài chính xanh liên quan đến việc thu hút các thị trường vốn truyền thống trong việc tạo ra, phân phối các sản phẩm và dịch vụ tài chính mang lại cả lợi nhuận có thể đầu tư và các kết quả tích cực về môi trường. Đây được xem là giải pháp quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương, công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), gần đây đã có một đề tài nghiên cứu về công tác triển khai tài chính xanh ở Trung Quốc. Theo nữ học giả, Trung Quốc đã có sáng tạo riêng trong việc thành lập các Khu thử nghiệm tài chính xanh tại các địa phương từ tháng 6 năm 2017. Đây là một trong những yếu tố giúp Trung Quốc dù phát triển tài chính xanh sau nhiều nước nhưng đã khá thành công, bắt kịp thậm chí vươn lên đi đầu trong lĩnh vực này. Nữ học giả cho rằng những kinh nghiệm của Trung Quốc là bài học tham khảo vô cùng hữu ích, đem lại gợi mở cho Việt Nam trong phát triển tài chính xanh.

Các Khu thử nghiệm tài chính xanh ra đời trong bối cảnh Trung Quốc ô nhiễm, thúc đẩy văn minh sinh thái, đặt mục tiêu đạt đỉnh và trung hoà carbon… Đến nay Trung Quốc đã có 10 khu thử nghiệm ở cả miền Đông, miền Trung và miền Tây với những trọng tâm phát triển phù hợp với tình hình phát triển về kinh tế, tài chính, môi trường của địa phương cũng như một số chiến lược quốc gia như Vành đai kinh tế sông Trường Giang, Sáng kiến Vành đai và Con đường, Khu vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Công-Ma Cao.

Đánh giá hiệu quả của các khu thử nghiệm nói trên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương cho biết: Các khu thử nghiệm đã có nhiều cải cách đổi mới trong lĩnh vực tài chính xanh trên nhiều phương diện như thiết lập hệ thống tổ chức tài chính xanh đa tầng nấc, đẩy nhanh việc đổi mới các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh, củng cố cơ sở hạ tầng tài chính xanh; thăm dò việc thiết lập thị trường giao dịch cho các quyền và lợi ích về môi trường; tăng cường hỗ trợ chính sách, mở rộng các kênh tài trợ cho các ngành nghề xanh; phục vụ việc chuyển đổi và nâng cấp ngành nghề; thiết lập cơ chế phòng ngừa và giải quyết rủi ro tài chính xanh. 

Một số cải cách đáng chú ý như việc thành lập tổ công tác, chế độ họp chung các khu, thành lập phố tài chính xanh, viện nghiên cứu tài chính xanh, toà án tài chính xanh giúp thúc đẩy tài chính xanh phát triển bền vững, nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính xanh được thúc đẩy như các nền tảng số liên kết tài chính ngân hàng - doanh nghiệp  giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể dễ dàng công bố nhu cầu tài chính của mình và tìm kiếm chính xác các khoản vay phù hợp, dịch vụ “một cửa”, phục vụ tận nơi, các ngân hàng chủ động đến và các doanh nghiệp có thể tận hưởng các dịch vụ tín dụng mà không cần rời khỏi nhà, điều này đã tạo ra một cuộc cải cách và đổi mới lớn trong phương thức huy động vốn ngân hàng-doanh nghiệp. Nền tảng đã thiết lập cơ chế dịch vụ giới hạn thời gian “137”, nghĩa là phản hồi đơn hàng trong vòng 1 ngày, chủ động phục vụ trong vòng 3 ngày và hoàn thành đánh giá trong vòng 7 ngày, giảm đáng kể chi phí, thời gian huy động vốn của doanh nghiệp, hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp… Các khu có nhiều biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân có thành tích cũng như phạt các hành vi vi phạm, hướng dòng vốn ra khỏi các ngành ô nhiễm cao, tiêu hao nhiều năng lượng, phát huy được tính tích cực sáng tạo của các chủ thể. Các khu sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như giảm lãi suất cho vay xanh, cho vay lại... để dẫn dòng nguồn tài chính cho các ngành nghề xanh, thưởng và trợ cấp cho cải cách cổ phần và niêm yết của các doanh nghiệp ngành nghề xanh, bố trí các quỹ đặc biệt để thưởng cho việc thành lập các tổ chức tài chính xanh, các tổ chức có số nghiệp vụ tài chính xanh tăng vượt trội, thưởng cho các công ty phát hành trái phiếu xanh… Các rủi ro được kiểm soát khá tốt.

Thông qua các biện pháp cải cách đổi mới, các khu thử nghiệm đã đạt được thành quả khá ấn tượng, phát huy đầy đủ tính tiên phong, vai trò đi đầu thử nghiệm, thúc đẩy tài chính xanh phát triển nhanh và ổn định. Các khu đã có những đóng góp tích cực, thúc đẩy cải cách tài chính mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, phục vụ nền kinh tế thực, phục vụ các chiến lược quốc gia, cung cấp “kinh nghiệm Trung Quốc”, phương án Trung Quốc" cho thế giới để phát triển tài chính xanh một cách lành mạnh. Mô hình tài chính xanh Hồ Châu được thể hiện trong bộ phim tài liệu “Sáng kiến hành động toàn cầu 2021 về Biến đổi khí hậu” của Hội nghị biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc, trong khi Khu Quảng Châu đạt “Giải thưởng Đóng góp Đặc biệt cho Tài chính Xanh năm 2020” của Diễn đàn Tài chính Quốc tế (IFF). 

Hiện một số khu đã kết thúc thời gian thử nghiệm 5 năm và bước vào giai đoạn phát triển mới, một số nơi khác đang xin thành lập các khu thử nghiệm mới, triển vọng phát triển các khu khá rộng mở. Song bên cạnh đó, Trung Quốc cũng vẫn cần tiếp tục phát triển một số lĩnh vực để thúc đẩy hơn nữa tài chính xanh như làm phong phú hơn nữa các sản phẩm và dịch vụ, tăng cường công bố thông tin môi trường, đào tạo nhân tài… Những điều này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu dồi dào về tài chính xanh của nền kinh tế Trung Quốc trong quá trình phát triển chất lượng cao và thực hiện hiện đại hóa kiểu Trung Quốc - sự hiện đại hóa trong đó con người và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa.

“Việt Nam đã đưa ra Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đưa ra nhiều văn bản chủ động triển khai tài chính xanh. Kinh nghiệm tại các khu thử nghiệm của Trung Quốc sẽ đem lại những bài học giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển tài chính xanh, hòa cùng xu hướng tăng trưởng xanh trên thế giới,” Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương đánh giá.