Ngày 12-13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước hết sức thành công đến Việt Nam, được truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin đậm nét. Những kết quả của chuyến thăm được đánh giá là tạo bước đột phá tích cực, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác sâu rộng Trung Quốc – Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Để làm rõ những kết quả và ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm này, Đài chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu sâu về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu Trung Quốc và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc
Theo vị chuyên gia, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc phát triển thuận lợi, đặc biệt là từ sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào cuối năm 2022.
Kể từ đó đến nay, nhiều lãnh đạo cấp cao, bộ ngành, địa phương của 2 nước đã tiếp xúc, qua lại với nhau. Về phía Việt Nam có thể kể đến là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Bắc Kinh (tháng 10); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc, dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân (tháng 6), mới đây là tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại-đầu tư Trung Quốc-ASEAN tại Quảng Tây (tháng 9); hay chuyến thăm của Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trương Thị Mai (tháng 4)…
Về phía Trung Quốc có Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến Việt Nam đồng chủ trì phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc; Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Dũng thăm Việt Nam; các chuyến thăm của Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, Vân Nam, Khu ủy Quảng Tây…
“Trong khoảng thời gian ngắn mà sự giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều như vậy là hiếm có. Bởi hai bên đã nhận thức được quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển thuận lợi nhất nên càng nỗ lực thúc đẩy hơn,” ông Nguyễn Vinh Quang nói, nhấn mạnh rằng không chỉ chính trị, ngoại giao mà cả về kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân… cũng được tăng cường.
Hai bên trở thành thị trường quan trọng của nhau, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Chênh lệch cán cân thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc đang dần được thu hẹp khi nhiều hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng được người Trung Quốc ưa chuộng như nông sản, thuỷ hải sản...
Đây là chuyến thăm thứ ba của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tới Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, đây là lần đầu tiên, một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam 3 lần, và có thể chưa phải là lần cuối cùng.
Việc đón tiếp của Việt Nam dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lần này là hết sức trọng thị, ở mức cao nhất của nghi lễ đối ngoại nhưng vẫn thể hiện sự thân tình, gắn bó. Việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đón, Chủ tịch Quốc hội trực tiếp tiễn ở sân bay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đồng chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng cũng như nhiều chi tiết lễ tân khác là điều hiếm có so với các chuyến thăm thường thấy. Điều này chứng minh Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng như thể hiện tầm vóc của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong tổng thể chính sách đối ngoại.
Ở phương diện khác, nội dung của chuyến thăm lần này cũng được đánh giá hết sức thành công, được thể hiện rõ nhất thông qua Tuyên bố chung giữa hai nước. “Đây là một Tuyên bố chung rất dài, tới hơn 8.000 chữ, phá kỷ lục các Tuyên bố chung từ trước đến nay giữa hai nước, đề cập đến rất nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô đến những vấn đề vi mô, chi tiết. Phạm vi rất rộng, từ tầm cao chiến lược, tư tưởng chỉ đạo cho đến cụ thể về các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giao lưu nhân dân…,” ông Nguyễn Vinh Quang chỉ ra.“Tại các cuộc Hội đàm, lãnh đạo hai bên đã thảo luận và đi đến nhất trí, trong giai đoạn mới cùng nhau thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc với độ tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác các lĩnh vực thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn,” vị chuyên gia cho biết.Nhân chuyến thăm này, đã có tới 36 thỏa thuận được ký kết giữa hai nước. Đây cũng là số lượng văn kiện hợp tác lớn nhất Việt Nam từng ký được trong một chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài. Chính số lượng cụ thể của các thỏa thuận được ký kết đã phản ánh trực quan nhất chất lượng của chuyến thăm, đồng thời truyền đi thông điệp cho thấy: Độ tin cậy về chiến lược giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã lên cao rất nhiều so với trước đây.
Năm 2023 là dịp hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023). Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là khuôn khổ ngoại giao cao nhất của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này.
Sau chuyến thăm vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Theo ông Nguyễn Vinh Quang, điều có thể nhìn thấy ngay về “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” là mục tiêu và nguyên tắc hoạt động đã được lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước định vị: Đó là vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.
Rõ ràng, đây chính là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến, phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới.
Với những phân tích như trên, chuyên gia Nguyễn Vinh Quang lạc quan rằng quan hệ hai nước sẽ càng tốt hơn sau chuyến thăm: “Tôi hy vọng rằng từ nay, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có phạm vi hợp tác rộng lớn hơn, chất lượng hợp tác cao hơn, lợi ích thực tế sâu hơn. Cánh cửa giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ càng rộng mở hơn. Những tồn tại, vướng mắc cũng sẽ dần có giải pháp tháo gỡ cụ thể,” ông nói, bày tỏ rằng đó cũng là hy vọng chung của nhân dân hai nước.
Để củng cố quan điểm của mình, nhà nghiên cứu cũng chỉ ra: Trong tổng thể 3 kênh ngoại giao Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân, trên thế giới không có nước nào có quan hệ ngoại giao kênh Đảng và giao lưu nhân dân có từ lâu đời và sâu đậm như hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Đó là những nền tảng để hai bên dễ dàng thúc đẩy quan hệ trong giai đoạn mới.
Trong đó, quan hệ giữa hai Đảng trên thực tế đã có lịch sử 100 năm, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời, người cộng sản Việt Nam đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mối quan hệ với những người cộng sản Trung Quốc. Từ khi hai đảng cầm quyền, hợp tác giữa hai Đảng luôn định hướng cho quan hệ giữa hai nước.
Ngoại giao nhân dân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là nền tảng để xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hoạt động giao lưu nhân dân được diễn ra với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.
Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung, ông Nguyễn Vinh Quang đặc biệt quan tâm đến các hoạt động giao lưu nhân dân, góp phần gắn kết hai dân tộc. Theo ông, tâm tư nguyện vọng của người dân hai nước chính là nền tảng xã hội, mối quan hệ hữu nghị được xây dựng trên nền tảng đó.
“Để quan hệ Việt – Trung tiếp tục duy trì được đà phát triển, điều cần thiết là phải bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường giao lưu nhân dân. Đây là điều được lãnh đạo cả 2 nước đều rất quan tâm và coi trọng, cần có sự hợp sức của các tổ chức chính trị, các tổ chức nhân dân…” vị chuyên gia nói.