“Sôi động”, “nhộn nhịp”, “thông suốt”, “rộng mở” – đó là cảm nhận chung của rất nhiều thương nhân Việt Nam về tình hình thương mại nông sản Việt – Trung từ đầu năm 2023 đến nay, đặc biệt là sau khi Trung Quốc ưu hoá các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục hoạt động của các cửa khẩu.
Là 2 nước láng giềng giáp nhau cả trên biển và trên đất liền, Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã là những đối tác nông nghiệp quan trọng của nhau. Đặc biệt, năm vừa qua, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực và đi vào thực thi, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành công tốt đẹp, những chuyển động đó giúp tạo nên bầu không khí vô cùng hứng khởi cho hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.
Theo Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Trong đó mới nhất là mặt hàng tổ yến, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ tháng 11/2022.
Chia sẻ với Đài chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, trưởng phòng Marketing Công ty Cổ phần Yến sào Nha Trang (Việt Nam) cho biết, việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sản phẩm tổ yến của Việt Nam đang mang đến nhiều cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.
“Trong năm nay, sau khi Nghị định thư được ký, đã có rất nhiều đối tác Trung Quốc liên hệ làm việc, tham quan nhà máy sản xuất của chúng tôi. Bản thân công ty Cổ phần Yến sào Nha Trang cũng chủ động tham gia các Hội chợ quốc tế như Vietnam Expo 2023 để giới thiệu sản phẩm của mình tới các nhà nhập khẩu nước ngoài,” chị Xuân nói, khẳng định rằng “Trung Quốc là một thị trường mà bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu nào của Việt Nam cũng mơ ước chinh phục”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, trưởng phòng Marketing Công ty Cổ phần Yến sào Nha Trang giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Vietnam Expo 2023, tháng 4/2023
Theo vị quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam bất kể lớn hay nhỏ đều cần có nội lực và quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng nếu muốn vươn ra các thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc với các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh dịch tễ ngày càng cao. Hiện tại công ty đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hồng Kông và một số nước châu Á khác. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ yến lớn nhất trên thế giới với nhu cầu ngày càng cao và cũng là thị trường tiếp theo mà công ty đặt mục tiêu chinh phục.
Chị Xuân cho biết, hiện tại công ty đã tìm hiểu kỹ và tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc về điều kiện quản lý cơ sở nhà yến, chế biến tổ yến nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tổ yến, dần hoàn tất thủ tục để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân.
“Chúng tôi cũng rất tự tin vì ngay từ đầu, với tầm nhìn phục vụ xuất khẩu, công ty đã đầu tư bài bản từ các nhà yến tới hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại… Chúng tôi trực tiếp sở hữu hệ thống nhà yến đạt tiêu chuẩn và nhờ đó hoàn toàn kiểm soát được nguyên liệu đầu vào. Nhà máy cũng được xây dựng đạt được chứng chỉ quốc tế như FDA, USDA và FSSC tức là được công nhận tại các thị trường khó tính,” chị Xuân nói, cho biết thêm công ty đã nghiên cứu phát triển rất nhiều dòng sản phẩm độc quyền (bên cạnh các sản phẩm yến tổ, yến lọ truyền thống) để hướng tới các đối tượng khác nhau tại thị trường Trung Quốc trong đó có thể kể đến như súp tổ yến, sữa chua tổ yến cho trẻ em, mặt nạ yến vàng cho phụ nữ…
Bầu không khí hứng khởi trong thương mại nông sản 2 nước là điều không chỉ các doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Yến sào Nha Trang, mà còn cả các công ty sản xuất quy mô nhỏ hơn của Việt Nam cũng cảm nhận được. Tiêu biểu trong số đó là Công ty sản xuất Minh Dương với nhà máy thuộc địa bàn tỉnh Nam Định (Việt Nam), có các sản phẩm thế mạnh là nông sản, trái cây sấy như ngô sấy, khoai lang sấy, mít sấy…
Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, Chị Lưu Thị Linh, phó giám đốc công ty cho hay, những năm gần đây, trước cơ hội giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, công ty đã mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng xuất khẩu.
“Chúng tôi đã cùng làm việc với đối tác Trung Quốc để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Bắc Kinh. Hiện nay chúng tôi cũng đang tiếp xúc với những đối tác khác để mở rộng xuất khẩu sang các địa phương khác, tiếp cận nhiều người tiêu dùng Trung Quốc hơn,” chị Linh nói.
Chị Lưu Thị Linh, phó giám đốc Công ty sản xuất Minh Dương giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Vietnam Expo 2023, tháng 4/2023
Theo vị đại diện doanh nghiệp, các mặt hàng trái cây, nông sản sấy của Việt Nam khá được yêu thích tại thị trường Trung Quốc, rất có tiềm năng tiêu thụ. Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người là thị trường rộng lớn với nhu cầu hàng hóa cao và đa dạng. Kể từ khi thị trường này mở cửa trở lại, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đều đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, do đó cần phải cạnh tranh đồng thời bằng chất lượng sản phẩm và giá cả phù hợp.
Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 53 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm hơn 25%. Tuy nhiên, con số này chỉ tương đương chưa đến 5% tổng lượng nhập khẩu nông lâm thủy sản của Trung Quốc, cho thấy dư địa cho nông sản Việt Nam còn rất lớn với rất nhiều cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp Việt Nam khát khao chinh phục.