Giữa guồng quay gấp gáp của cuộc sống hiện đại, đang có ngày càng nhiều người tìm đến với múa cổ điển Trung Hoa vừa để rèn luyện sức khoẻ, vừa để thư giãn tâm trí, đắm chìm trong cái đẹp của loại hình nghệ thuật có lịch sử hàng ngàn năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhu cầu học múa cổ điển Trung Hoa tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… đang tăng lên đáng kể. Nhiều trung tâm, studio mới chuyên về đào tạo múa cổ trang ra đời. Ngoài đào tạo học viên, những trung tâm này còn có các lớp trình độ cao để đào tạo giáo viên, biên đạo múa cổ điển Trung Hoa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tại một trung tâm đào tạo nhảy và múa lớn tại Hà Nội là Baladi Dance Studio, số lượng học viên múa Trung Hoa đã tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Hiện nay trung tâm có khoảng 30 lớp múa cổ trang, mỗi lớp có từ 10 đến 15 học viên, nâng tổng số học viên lên khoảng 300 đến 450 người. Những lớp học này thường xuyên được mở và có nhiều cấp độ khác nhau từ cơ bản đến nâng cao để phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng học viên.
Một lớp học múa cổ điển Trung Hoa tại Baladi Dance Studio
Là một giáo viên với nhiều năm kinh nghiệm dạy múa cổ điển Trung Hoa tại Baladi Dance Studio, chị Ngọc Thư (29 tuổi) cho biết: Trong khoảng 5 năm trở lại đây, bộ môn múa cổ điển Trung Hoa đã được phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết tại Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ, tạo thành một xu hướng thể thao tích cực, lành mạnh.
Giáo viên Ngọc Thư, 22 năm theo học và biểu diễn múa, 11 năm Giảng dạy và Biên đạo múa, 5 năm dạy Múa Trung Hoa
Theo chị Ngọc Thư, có một số lý do chính dẫn đến xu hướng này, đầu tiên phải kể đến ảnh hưởng của phim ảnh và truyền hình. Những bộ phim và chương trình truyền hình đề tài cổ trang như "Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa", "Sở Kiều Truyện", "Trần Tình Lệnh" và nhiều tác phẩm khác đã thu hút một lượng lớn người xem. Các nhân vật với trang phục lộng lẫy và những màn biểu diễn đẹp mắt của diễn viên, vũ công thường gây ấn tượng mạnh và truyền cảm hứng cho khán giả.
Các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram, Facebook, và YouTube cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bộ môn này. Nhiều người chia sẻ video múa, tạo thành các thử thách (challenges) và xu hướng (trends) trên mạng xã hội. Những video này thường có sức hút lớn nhờ vào sự kết hợp giữa âm nhạc, trang phục đẹp mắt và những động tác múa uyển chuyển.
Cuối cùng, đó là nhờ sự đa dạng trong giải trí và sở thích cá nhân. Giới trẻ ngày nay có xu hướng tìm kiếm và trải nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Múa Trung Hoa, với vẻ đẹp truyền thống và nghệ thuật độc đáo, đáp ứng nhu cầu này và trở thành một lựa chọn thú vị cho nhiều người.
Giáo viên Ngọc Thư tham gia tập huấn tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tháng 7/2024
Theo chị Ngọc Thư, phải trải qua một quá trình dài thì múa cổ điển Trung Hoa mới được phổ biến như hiện nay. Ban đầu, xu hướng cover múa Trung Hoa đã thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Rất nhiều người tự tập luyện và chia sẻ các video trên mạng xã hội, tạo nên một làn sóng yêu thích múa Trung Hoa. Tuy nhiên, do việc tự học qua các video không đảm bảo tính chính xác về kỹ thuật, nhiều người gặp khó khăn trong việc nắm bắt đúng những động tác và tinh thần của múa Trung Hoa, thậm chí là chấn thương do tập sai.
“Nhận thấy sự quan tâm và mong muốn tìm hiểu đúng đối với bộ môn này, Baladi đã quyết định mời các giáo viên Trung Quốc có kinh nghiệm và chuyên môn cao đến Việt Nam giảng dạy từ năm 2019. Đây là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyên nghiệp hóa trong việc đào tạo múa cổ điển Trung Hoa tại Việt Nam,” chị Ngọc Thư cho biết, khẳng định các giáo viên Trung Quốc không chỉ mang đến những bài học chất lượng mà còn giúp học viên hiểu rõ hơn về văn hóa và tinh thần của môn nghệ thuật này.
Giáo viên Trung Quốc giao lưu và huấn luyện tại Baladi Dance Studio
Nhờ vào sự hợp tác nói trên, phong trào tập luyện múa Trung Hoa tại Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Các lớp học ngày càng thu hút nhiều học viên, từ những người mới bắt đầu cho đến những người đã có nền tảng về múa. Sự hướng dẫn tận tình từ các giáo viên chuyên nghiệp đã giúp học viên nâng cao kỹ năng và thể hiện đúng tinh thần của múa Trung Hoa.
Giáo viên Trung Quốc giao lưu và huấn luyện tại Baladi Dance Studio
Chị Tống Thị Huyền Trang (39 tuổi) là một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, hiện đang theo học múa cổ điển Trung Hoa tại Baladi Dance Studio. Cùng với phong trào múa cổ trang ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, chị Trang được một người bạn rủ đi học với tiêu chí vui vẻ để giảm thiểu các áp lực trong công việc và cuộc sống. “Ngay từ những ngày đầu tiếp cận với bộ môn này, tôi có một niềm yêu thích đặc biệt. Âm nhạc Trung Hoa thực sự rất lôi cuốn và sâu sắc, từng động tác múa cũng tinh tế và đầy nội hàm. Sức hút của bộ môn này đối với tôi thực sự lớn,” chị cho hay.
Sau hơn một năm theo học múa cổ điển Trung Hoa, chị Trang thấy bản thân có nhiều sự thay đổi tích cực: Ngoài một cơ thể ngày một dẻo dai, khỏe mạnh, tinh thần cũng được sảng khoái sau mỗi buổi học. Với niềm yêu thích lớn dần, chị Trang cũng tìm hiểu để học thêm các lớp nâng cao kỹ thuật múa với mong muốn ngày càng múa đẹp hơn.
“Các lớp học này không chỉ giúp tôi cải thiện từng động tác múa mà còn giúp tôi nhận ra nhiều hạn chế, nhược điểm, thói quen không tốt. Đặc biệt hơn, một lợi ích mà tôi nhận được qua việc học múa đó là chất lượng cuộc sống của tôi tốt lên rất nhiều: từ tư thế đến tâm thế, mang lại cho tôi một sự tự tin rất lớn. Càng học, càng tìm hiểu tôi càng thấy bộ môn này có chiều sâu và rất phong phú, có nhiều thứ để tôi có thể phát triển thêm. Tôi cũng thêm yêu văn hóa nghệ thuật Trung Hoa, bước đầu tiếp cận ngôn ngữ với mong muốn có thêm chất liệu, làm phong phú nội tâm để có thể biểu đạt tốt trong từng bài múa. Với lịch sử sâu dày, văn hóa nghệ thuật Trung Hoa luôn mang đến cho tôi sự thán phục, ngưỡng mộ đáng kinh ngạc,” nữ học viên hào hứng chia sẻ.
Các học viên Baladi Dance Studio tham dự Gala Show Vũ đạo Việt Nam Mở rộng (VNOD) 2023
Trong khi đó, Chị Bùi Thị Thu Hà (37 tuổi) là một chuyên viên tham vấn - trị liệu tâm lý. Ban đầu chị đăng ký học múa Trung Hoa chỉ với mục đích giải trí và giải phóng hình thể, tuy nhiên càng học, luyện tập và tìm hiểu sâu, chị càng thấy có nhiều lợi ích vượt xa tưởng tượng.
“Bộ môn này giúp tôi cải thiện vóc dáng, nâng cao thần thái, khí chất. Sau 3 năm rèn luyện, chân tôi đã thẳng hơn, giảm hẳn chứng vòng kiềng. Mọi người xung quanh cũng nhận xét tính cách của tôi nhẹ nhàng và mềm mại hơn, không còn cứng nhắc như trước. Tôi luôn có ý thức đi đứng thẳng lưng chứ kokhôngcòn hơi gù nữa. Cơ thể tôi săn chắc hơn và đẹp hơn. Ngoài ra, giáo viên của tôi cũng luôn chú trọng rèn luyện thể lực cho học viên do vậy sức khỏe của tôi ngày càng tốt và dẻo dai hơn.
Điều đặc biệt và độc đáo ởcủabộ môn múa Trung Hoa là Thân Vận và Thần Vận. Chị Hà nhận ra rằng sự kết hợp giữa động tác và hơi thở khi múa chính là đang thiền động, điều này giúp chúng ta kết nối thân và tâm trí. Không chỉ vậy, luận động tương phản khi múa còn giúp chúng ta cân bằng năng lượng, từ đó giúp giảm stressáp lựcvà căng thẳng. Hiểu được nguyên lý này nên chị Hà đã giới thiệu cho rất nhiều bạn bè và khách hàng đang trị liệu tâm lý đi học múa Trung Hoa.
Nguyễn Minh Trang, học viên Baladi Dance Studion vô địch Hạng mục múa Trung Hoa VNOD 2024
“Giáo viên của tôi dạy rằng để múa đẹp bạn cần yêu cơ thể của bạn và khi múa hãy tưởng tượng là bạn đang kể 1 câu chuyện thật sinh động trên sân khấu. Do vậy nhờ luyện tập múa, tôi càng thêm yêu cơ thể của mình hơn và biểu cảm phong phú hơn trước. Với những ưu điểm này, múa Trung Hoa đang và sẽ là 1 môn quan trọng để tôi nghiên cứu và phát triển bộ môn Healing dance trong trị liệu tâm lý,” chị Thu Hà cho hay.